Bộ trưởng nói gì về nguồn cung nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp?

Trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV diễn ra chiều 3-11, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã nêu nhiều nguyên nhân về việc thiếu nguồn cung nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết vướng nhiều chính sách

Cụ thể, theo Bộ trưởng, mặc dù đã có nhiều chính sách phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, song đến nay nguồn cung về nhà ở xã hội vẫn chưa đáp ứng mục tiêu đề ra.

Thống kê của Bộ trưởng, đến nay mới đạt 7,79 triệu m2/12,5 triệu m2 theo yêu cầu, trong đó nhà ở công nhân là 3,13 triệu m2 với 62.700 căn hộ; nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp đô thị là 4,65 triệu m2 với 93.090 căn hộ và quỹ đất dành cho nhà ở xã hội mới đáp ứng được 36,31%.

Việc chưa đạt được mục tiêu này, Bộ trưởng nêu một số quy định pháp luật còn vướng mắc trong việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cụ thể là cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi tại Luật Nhà ở và các luật khác liên quan.

Bên cạnh đó, về tổ chức thực hiện, theo ông việc bố trí nguồn vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội, nhà ở công nhân còn khó khăn. Hơn nữa, một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến phát triển nhà ở xã hội, chưa quan tâm hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật cho nhà ở xã hội, thủ tục hành chính còn nhiều vướng mắc, do vậy tác động tới nguồn cung nhà ở xã hội.

Vì vậy để nâng cao hiệu quả thực hiện mục tiêu nhà ở xã hội hướng tới người lao động có thu nhập thấp, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh việc điều chỉnh pháp luật để thu hút phát triển nhà ở xã hội, trong đó Bộ Xây dựng đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội, cố gắng đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp.

“Trong thời gian tới với những giải pháp đồng bộ, nhà ở xã hội sẽ được tăng thêm, tạo điều kiện về nguồn cung, cố gắng đáp ứng mục tiêu nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp với giá nhà ở phù hợp hơn,” Bộ trưởng nói.

Làm rõ trách nhiệm nhiều khu đô thị xuống cấp

Ở góc độ khác, khi đặt vấn đề chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng, đại biểu Quốc hội Phan đức Hiếu (đoàn Thái Bình) cho rằng, hiện nay ở Hà Nội có rất nhiều dự án nhà ở, dự án khu đô thị sau một thời gian sử dụng thì hạ tầng xuống cấp, đường xá, vỉa hè… nhưng không thể nâng cấp, làm mất cảnh quan đô thi và ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Giải đáp vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị chỉ ra nhiều nguyên nhân, trong đó có việc nhiều công trình đưa vào sử dụng nhưng chưa bàn giao cho địa phương quản lý. Cùng đó, quy định pháp luật về xây dựng đô thị trước năm 2021 mới chỉ mang tính nguyên tắc, chưa có quy định cụ thể, nên việc bàn giao quản lý còn lúng túng khi triển khai thực hiện.

bo-truong-noi-gi-ve-nguon-cung-nha-o-xa-hoi-cho-nguoi-thu-nhap-thap
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội

Ngoài ra, nhiều dự án phân kỳ đầu tư kéo dài nên chủ đầu tư chậm bàn giao hạ tầng dự án; thậm chí nhiều dự án chủ đầu tư không thực hiện duy tu bảo dưỡng hạ tầng trước khi bàn giao và nguồn lực quản lý chính quyền về đô thị còn chưa tốt…

Do đó, với chức năng chuyên ngành được giao, Bộ Xây dựng sẽ tập trung rà soát quy định pháp luật để quy định rõ hơn trách nhiệm chủ đầu tư bàn giao hạ tầng đô thị ngay khi dự án khả thi, đồng thời quy định rõ hơn cơ quan nhà nước có trách nhiệm thẩm định dự án hạ tầng đô thị.

“Bộ đang đề xuất xây dựng một nghị định để sửa đổi nhiều nghị định về nội dung này, trong đó bổ sung quy định bàn giao cơ sở hạ tầng cũng như nêu việc xử phạt hành chính nếu chủ đầu tư không tuân thủ hoặc chậm bàn giao cơ sở hạ tầng…,” Bộ trưởng nhấn mạnh.

Liên quan tới tình trạng ngập úng tại các đô thị lớn, theo Tư lệnh ngành xây dựng, do nhiều nguyên nhân như: Tác động tự nhiên biến đổi khí hậu và do quá trình đô thị hóa nhanh chóng, lấp hồ ao, kênh rạch… Cùng đó là công tác quy hoạch chưa đáp ứng tầm nhìn, hệ thống thoát nước hạn thế, giao thông chưa đảm bảo yêu cầu.

Vì vậy, một số giải pháp được Bộ trưởng nêu ra đó là tập trung nâng cao chất lượng quy hoạch, hướng dẫn các địa phương điều chỉnh quy hoạch có tính tới việc thoát nước, chống nước biển dân; tập trung nguồn lực xây dựng đồng bộ các công trình thoát nước theo quy hoạch, tăng cường thanh tra kiểm tra để việc thoát nước đạt được yêu cầu đề ra…/.

ESY HOUSE

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *