Quy hoạch phát triển đô thị tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Phương án quy hoạch hệ thống đô thị
Kế thừa và phát triển nâng cấp hệ thống đô thị đang sẵn có, hình thành mô hình ĐA CỰC & CHUỖI – ĐIỂM.
– Đa cực: Thành phố Pleiku, thị xã An Khê, thị xã Ayun Pa và Khu kinh tế Cửa khẩu Lệ Thanh là 4 cực động lực phát triển của tỉnh Gia Lai, có tác động lan tỏa hỗ trợ sự phát triển của các khu vực.
+ Thành phố Pleiku: Là trung tâm động lực tổng hợp, trọng điểm phát triển kinh tế của tỉnh. Thành phố liên kết với thành phố Kon Tum trở thành trung tâm động lực kinh tế – xã hội tiểu vùng phía Bắc Tây Nguyên. Thành phố Pleiku sẽ phát triển theo mô hình chùm đô thị với thành phố hiện hữu là đô thị trung tâm, hỗ trợ bởi các đô thị vệ tinh như Đak Đoa, Chư Sê, Phú Hòa, Ia Kha…
+ Thị xã An Khê: Là trung tâm kinh tế, thương mại dịch vụ, du lịch và văn hóa xã hội của khu vực phía Đông tỉnh Gia Lai, là cửa ngõ phía Đông kết nối với các tỉnh Duyên hải miền Trung.
+ Thị xã Ayun Pa: Là cực tăng trưởng phía Đông Nam của tỉnh Gia Lai, là trung tâm đầu mối nông sản, trung tâm dịch vụ thương mại, du lịch, giáo dục đào tạo, y tế vùng phía Đông Nam tỉnh.
+ Khu kinh tế Cửa khẩu Lệ Thanh: Là vùng động lực phát triển của tỉnh Gia Lai, đầu mối giao thương với các vùng kinh tế trong khu vực Đông Bắc Campuchia và khu vực Tây Nguyên.
– Chuỗi – điểm: bao gồm 3 chuỗi, chuỗi QL19 (có các điểm Chư Ty, Đak Đoa, Kon Dơng, Đak Pơ), chuỗi QL14 (có các điểm Phú Hòa, Chư Sê, Nhơn Hòa), chuỗi QL25 (có các điểm Phú Thiện, Phú Túc).
+ Chuỗi đô thị dọc theo Quốc lộ 19 nối liền Quy Nhơn – An Khê – Đak Đoa – Pleiku – Đức Cơ – cửa khẩu Lệ Thanh – Ratanakiri, càng rõ hơn khi có trục cao tốc Gia Lai – Quy Nhơn với các Vùng du lịch thị xã An Khê và huyện K’Bang, trung tâm du lịch thành phố Pleiku, thị trấn Đak Đoa, vùng phát triển sản xuất nông nghiệp, vùng kinh tế cửa khẩu, khu cảng cạn ICD …Đây là lợi thế đầy đủ về giao thông vận tải và các điều kiện phát triển, tăng khả năng giao thương về phía Đông với Bình Định, về phía Tây với các tỉnh của Campuchia và trong tương lai xa hơn có thể kết nối giao thương quốc tế với Thái Lan, Myanmar, thúc đẩy quá trình đô thị hóa.
+ Chuỗi đô thị dọc theo Quốc lộ 14, cao tốc Bắc Nam nối liền Khu kinh tế Cửa khẩu Bờ Y – Kon Tum – Pleiku – Chư Sê – Đắk Lắk – TP Hồ Chí Minh, với các trung tâm du lịch thành phố Pleiku, thị trấn Đak Đoa, các khu công nghiệp Trà Đa, Nam Pleiku…. Đây là lợi thế đầy đủ về giao thông vận tải và các điều kiện phát triển, tăng khả năng giao thương theo hướng Bắc Nam, kết nối với các trung tâm vùng kinh tế trọng điểm phía Nam TP Hồ Chí Minh, trung tâm đào tạo, văn hóa thể dục thể thao, du lịch cấp vùng và quốc gia ở thành phố Buôn Ma Thuột và thành phố Đà Lạt.
+ Chuỗi đô thị dọc theo Quốc lộ 25 kết nối với Phú Yên và Khánh Hòa, liên kết phát triển các địa bàn đô thị Pleiku, Chư Sê, Chư Pưh, Phú Thiện, thị xã Ayun Pa và Krông Pa. Tính chất: Là hành lang liên kết phát triển của khu vực các huyện Đông Nam của tỉnh. Kết nối trung tâm động lực của tỉnh Gia Lai với Khu kinh tế Bắc Vân Phong và Khu kinh tế Nam Phú Yên. Định hướng theo lợi thế về quỹ đất dọc 2 bên lưu vực sông Ba, tại đây có thể phát triển theo mô hình “làng rau làng hoa” ở Tây Nguyên. Ngoài kết nối hạ tầng, khu vực này cần có các sáng kiến về cảnh quan, có sự tham gia của cộng đồng.
+ Các điểm đô thị: Các đô thị khác phát triển gắn với các trục đường tỉnh, mang tính chất trung tâm của các vùng huyện, các khu vực đô thị hóa cao…
Phân cấp phát triển đô thị, bao gồm: đô thị trung tâm vùng (cấp I, thuộc quản lý của Tỉnh), đô thị trung tâm tiểu vùng (cấp II, thuộc quản lý của Tỉnh), đô thị trung tâm huyện (cấp III, thuộc quản lý của huyện), trong đó các đô thị trung tâm toàn vùng và trung tâm tiểu vùng giữ vai trò chủ đạo trong các quá trình phát triển của hệ thống.
Hệ thống đô thị toàn tỉnh đến năm 2025: bao gồm 20 đô thị: 01 đô thị loại I, 01 đô thị loại III, 03 đô thị loại IV và 15 đô thị loại V.
– Đô thị trung tâm vùng, tỉnh: thành phố Pleiku, có vị thế quan trọng trong tỉnh, trong vùng cũng như có những ý nghĩa trong hệ thống đô thị Việt Nam; là đô thị loại I.
– Đô thị cấp tỉnh: Gồm 03 đô thị là thị xã An Khê (loại III), thị xã Ayun Pa (loại IV) và thị xã Chư Sê (loại IV)
– Các đô thị cấp huyện:
+ Đô thị trung tâm huyện: Gồm 13 đô thị trung tâm hành chính huyện (huyện lỵ) là K’Bang (huyện K’Bang), Đak Đoa (huyện Đak Đoa), Phú Hòa (huyện Chư Păh), Ia Kha (huyện Ia Grai), Kon Dơng (huyện Mang Yang), Kông Chro (huyện Kông Chro), Chư Ty (huyện Đức Cơ), Chư Prông (huyện Chư Prông), Đak Pơ (huyện Đak Pơ), Phú Túc (huyện Krông Pa), Phú Thiện (huyện Phú Thiện), Nhơn Hòa (huyện Chư Pưh) và Ia Pa (huyện Ia Pa – nâng cấp lên thị trấn).
+ Đô thị thuộc huyện: thị trấn Ia Ly, đô thị Lệ Thanh, đô thị Ia Sao.
Hệ thống đô thị toàn tỉnh đến năm 2030: Toàn tỉnh bao gồm 25 đô thị, gồm 20 đô thị hiện có và hình thành mới 05 đô thị loại V gồm: đô thị Ia Krái (huyện Ia Grai), Bàu Cạn (huyện Chư Prông), Ia Le (huyện Chư Pưh), Lệ Bắc (huyện Krông Pa), Kon Thụp (huyện Mang Yang) trên cơ sở nâng cấp các trung tâm xã.
Hệ thống đô thị toàn tỉnh đến năm 2050: Toàn tỉnh bao gồm 30 đô thị, gồm 25 đô thị hiện có và hình thành mới 05 đô thị loại V gồm: đô thị Bờ Ngoong (huyện Chư Sê), đô thị Nam Yang (huyện Đak Đoa), đô thị Ia Ga (huyện Chư Prông), đô thị Sơn Lang (huyện K’Bang), đô thị Pờ Tớ (huyện Ia Pa) trên cơ sở nâng cấp các trung tâm xã.
Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh thông thương với cửa khẩu Oyadav của nước bạn Campuchia
Định hướng phát triển hệ thống đô thị
Định hướng phát triển không gian đô thị
a) Các vùng và khu vực đô thị hóa
Vùng 1: Thành phố Pleiku – thị xã Chư Sê – Đak Đoa – Chư Păh
Phạm vi: Gồm toàn địa giới hành chính thành phố Pleiku, thị xã Chư Sê, huyện Đak Đoa, huyện Chư Păh và các xã Ia Sao, Ia Dêr, Ia Pếch (huyện Ia Grai), các xã Bàu Cạn, Ia Băng (huyện Chư Prông).
Quy mô: Diện tích tự nhiên 2,859km2; Dân số năm 2020 khoảng 589.000 người; Dân số đến năm 2030 khoảng 750.000 người; Tỷ lệ đô thị hóa khoảng 49%.
Định hướng phát triển:
+ Thu hút phát triển dịch vụ, thương mại, du lịch tập trung vào đô thị Pleiku, Đak Đoa và Chư Păh. Đẩy mạnh thu hút các dự án phát triển du lịch, dịch vụ nhằm khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của vùng.
+ Tập trung phát triển công nghiệp và dịch vụ, khoa học công nghệ vào khu vực phía Nam Pleiku và Chư Sê.
+ Ngoài thành phố Pleiku cần đầu tư tiếp tục phát triển trở thành trung tâm vùng phía Bắc Tây Nguyên thì cần ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cho đô thị Chư Sê và Đak Đoa để 02 đô thị này trở thành các đô thị vệ tinh hỗ trợ cho thành phố Pleiku.
Vùng 2: Khu kinh tế Cửa khẩu Lệ Thanh
Phạm vi: Gồm toàn bộ ranh giới Khu kinh tế Cửa khẩu Lệ Thanh (thị trấn Chư Ty, các xã Ia Kla, Ia Dom, Ia Nan, Ia Pnôn thuộc huyện Đức Cơ).
Định hướng phát triển:
+ Phát triển Khu kinh tế Cửa khẩu Lệ Thanh trở thành điểm trung chuyển hàng hóa, khách du lịch quan trọng trên tuyến hành lang Đông – Tây trên cơ sở thu hút sự quan tâm, hợp tác, thúc đẩy đầu tư giữa hai nước Việt Nam và Campuchia về các lĩnh vực kinh tế – xã hội mà trước mắt là hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Phát triển khu kinh tế lấy hiệu quả khai thác tiềm năng, thế mạnh của các địa phương biên giới hai nước nhằm bổ sung và hỗ trợ lẫn nhau, gắn với nâng cao đời sống nhân dân vùng biên giới và đảm bảo các vấn đề về an ninh quốc gia.
+ Tập trung thu hút và hình thành hạ tầng thương mại thiết yếu ở trung tâm các xã và khu vực gần cửa khẩu.
+ Đầu tư phát triển các dịch vụ phục vụ sản xuất và sinh hoạt của Khu kinh tế Cửa khẩu như dịch vụ cung cấp điện, nước; dịch vụ ăn uống và lưu trú, dịch vụ bốc xếp hàng hóa, dịch vụ hải quan, xuất nhập cảnh, dịch vụ tài chính, ngân hàng, dịch vụ viễn thông, dịch vụ công nghệ thông tin, dịch vụ khoa học và công nghệ, dịch vụ bảo hiểm…
+ Quy hoạch, bố trí các bến xe, bãi đỗ, các cửa hàng cửa hiệu, dịch vụ ăn uống, khách sạn, nhà nghỉ cho khách lưu trú qua đêm theo quy hoạch và phát triển với các bước đi thích hợp.
Vùng 3: Thị xã An Khê – thị trấn K’Bang – Đak Pơ
Phạm vi: Gồm toàn bộ địa giới hành chính thị xã An Khê, huyện Đak Pơ, các xã phía Nam huyện K’Bang
Quy mô: Diện tích tự nhiên 997,9km2; Dân số năm 2020 khoảng 149.000 người; Dân số đến năm 2030 khoảng 180.000 người; Tỷ lệ đô thị hóa khoảng 41,6%
Định hướng phát triển:
+ Khai thác các lợi thế về cảnh quan tự nhiên sinh thái, các khu, điểm du lịch để phát triển dịch vụ du lịch.
+ Khai thác lợi thế về giao thông liên kết với các tỉnh duyên hải miền trung để phát triển dịch vụ thương mại, du lịch. Hình thành các trung tâm dịch vụ thương mại, dịch vụ du lịch, hỗ trợ sản xuất nông lâm nghiệp và công nghiệp.
+ Tập trung phát triển thị xã An Khê trở thành đô thị loại III, trung tâm động lực của tiểu vùng Đông Bắc. Phát triển đô thị K’Bang thành đô thị cửa ngõ trên trục Đông Trường Sơn.
Vùng 4: Thị xã Ayun Pa – Phú Thiện – Krông Pa
Phạm vi: Gồm toàn bộ địa giới hành chính thị xã Ayun Pa, huyện Phú Thiện, Krông Pa
Quy mô: Diện tích tự nhiên 2416km2; Dân số năm 2020 khoảng 208.000 người; Dân số đến năm 2030 khoảng 250.000 người; Tỷ lệ đô thị hóa khoảng 34,8%.
Định hướng phát triển:
+ Phát triển mở rộng các thị trấn huyện lỵ thành trung tâm dịch vụ, cho vùng huyện, thu hút nhu cầu dịch vụ trong địa bàn huyện để phát triển mở rộng đô thị, nâng cao tỷ lệ đô thị hóa.
+ Tập trung xây dựng thị xã Ayun Pa trở thành đô thị loại III. Phát triển thị trấn Phú Túc thành đô thị cửa ngõ phía Đông Nam của tỉnh trên trục QL25. Phát triển đô thị Phú Thiện trở thành đô thị dịch vụ, du lịch.
+ Thu hút phát triển hạ tầng kết nối theo hành lang QL25 để nâng cao năng lực lưu thông, kết nối vùng. Qua đó phát triển các hoạt động dịch vụ, hình thành các trung tâm dịch vụ nông nghiệp, trung tâm dịch vụ hỗ trợ sản xuất, trung tâm đầu mối nông sản.
b) Hệ thống các đô thị trung tâm
Đô thị Pleiku và phụ cận
- Tính chất: Là cực động lực chính của tỉnh Gia Lai và tiểu vùng Bắc Tây Nguyên. Là trung tâm kinh tế – xã hội tổng hợp của tỉnh.
- Quy mô: Gồm thành phố Pleiku và các đô thị vệ tinh Đak Đoa, Chư Sê, Phú Hòa.
Đô thị An Khê
- Tính chất: Là đô thị cửa ngõ phía Đông của tỉnh Gia Lai; là cực tăng trưởng chính của tiểu vùng phía Đông Bắc tỉnh.
- Quy mô: Diện tích tự nhiên khoảng 20.006,78ha; Dân số năm 2030 khoảng 81.000 người.
Đô thị Ayun Pa
- Tính chất: Là cực động lực chính của tiểu vùng phía Đông Nam tỉnh Gia Lai; là trung tâm giao dịch trên tuyến Pleiku – Tuy Hòa
- Quy mô: Diện tích tự nhiên khoảng 28.717,72 ha; Dân số đến năm 2030 khoảng 62.650 người;
Đô thị Lệ Thanh
- Tính chất: Là đô thị cửa ngõ phía Tây của tỉnh Gia Lai; là đô thị cửa khẩu, trung tâm của Khu kinh tế Cửa khẩu Lệ Thanh
- Quy mô: Diện tích tự nhiên khoảng 1000ha ; Dân số đến năm 2030 khoảng 15.000 người;
Định hướng kế hoạch phân loại đô thị
a) Đô thị chỉnh trang và mở rộng không gian
– Giai đoạn 2021-2025: Nâng cấp thị xã An Khê lên đô thị loại III.
– Giai đoạn 2026-2030: Nâng cấp các đô thị Chư Ty (huyện Đức Cơ), Phú Thiện (huyện Phú Thiện), Đak Đoa (huyện Đak Đoa) lên đô thị loại IV.
b) Đô thị hình thành mới
– Giai đoạn 2021-2025: Hình thành mới 02 đô thị gồm đô thị Ia Sao (huyện Ia Grai) và đô thị Lệ Thanh (huyện Đức Cơ).
– Giai đoạn 2026-2030: Hình thành mới 05 đô thị gồm Kon Thụp (huyện Mang Yang), Bàu Cạn (huyện Chư Prông), Lệ Bắc (huyện Krông Pa), Ia Krái (huyện Ia Grai) và Ia Le (huyện Chư Pưh).
Bản tổng hợp kế hoạch phân loại đô thị toàn tỉnh các giai đoạn
TT | Danh mục | Cấp hành chính | Phân loại đô thị | |||
2020 | 2021-2025 | 2026-2030 | 2031-2050 | |||
I | Tiểu vùng trung tâm | |||||
1 | Thành phố Pleiku | Thành phố | I | I | I | I |
2 | Huyện Chư Păh | |||||
2.1 | Thị trấn Phú Hòa | Thị trấn huyện lỵ | V | V | V | IV |
2.2 | Thị trấn Ia Ly | TT hiện có thuộc huyện | V | V | V | IV |
3 | Huyện Chư Sê | |||||
Thị xã Chư Sê | Thị xã | IV | IV | IV | III | |
Thị trấn Bơ Ngoong | ĐT mới | V | ||||
4 | Huyện Chư Pưh | |||||
4.1 | Thị trấn Nhơn Hòa | Thị trấn huyện lỵ | V | V | V | IV |
4.2 | Đô thị Ia Le | ĐT mới | V | V | ||
5 | Huyện Đak Đoa | |||||
Thị trấn Đak Đoa | Thị xã | V | V | IV | III | |
Thị trấn Nam Yang | ĐT mới | V | ||||
II | Tiểu vùng phía Tây | |||||
1 | Huyện Ia Grai | |||||
1.1 | Thị trấn Ia Kha | Thị trấn huyện lỵ | V | V | V | IV |
1.2 | Đô thị Ia Sao | Thị trấn | V | V | IV | |
1.3 | Đô thị Ia Krái | ĐT mới | V | V | ||
2 | Huyện Đức Cơ | |||||
2.1 | Thị trấn Chư Ty | Thị xã | V | V | IV | IV |
2.2 | Thị trấn Lệ Thanh | Lập mới | V | V | IV | |
3 | Huyện Chư Prông | |||||
3.1 | Thị trấn Chư Prông | Thị trấn huyện lỵ | V | V | V | IV |
3.2 | Đô thị Bàu Cạn | Thị trấn | V | V | ||
3.3 | Đô thị Ia Ga | ĐT mới | V | |||
III | Tiểu vùng Đông Bắc | |||||
1 | Thị xã An Khê | Thị xã | IV | III | III | II |
2 | Huyện K’Bang | |||||
Thị trấn K’Bang | Thị trấn huyện lỵ | V | V | V | IV | |
Thị trấn Sơn Lang | Thị trấn | V | ||||
3 | Huyện Mang Yang | |||||
Thị trấn Kon Dơng | Thị trấn huyện lỵ | V | V | V | IV | |
Đô thị Kon Thụp | Thị trấn | V | V | |||
4 | Huyện Krông Chro | |||||
Thị trấn Krông Chro | Thị trấn huyện lỵ | V | V | V | IV | |
5 | Huyện Đak Pơ | |||||
Thị trấn Đak Pơ | Thị trấn huyện lỵ | V | V | V | IV | |
IV | Tiểu vùng Đông Nam | |||||
1 | Thị xã Ayun Pa | Thị xã | IV | IV | IV | III |
2 | Huyện Ia Pa | |||||
Thị trấn Ia Pa | Thị trấn huyện lỵ | V | V | V | IV | |
ĐT Pờ Tó | ĐT mới | V | ||||
3 | Huyện Phú Thiện | |||||
Thị trấn Phú Thiện | Thị trấn huyện lỵ | V | V | IV | IV | |
4 | Huyện Krông Pa | |||||
4.1 | Thị trấn Phú Túc | Thị trấn huyện lỵ | V | V | V | IV |
4.2 | Đô thị Lệ Bắc (Ia R’Sươm) | ĐT mới | V | V |
Định hướng phát triển các đô thị
Thành phố tỉnh lỵ – thành phố Pleiku
– Là đô thị tỉnh lỵ tỉnh Gia Lai, thành phố Pleiku nằm trên giao điểm giữa trục QL14 là tuyến giao thông huyết mạch, nối vùng Tây Nguyên với vùng duyên hải Nam Trung Bộ, vùng thành phố Hồ Chí Minh và QL19 là tuyến giao thông xuyên Á nối Gia Lai với vùng Bình Định và các nước ASEAN. Trong vị thế phát triển vùng, thành phố Pleiku là trung tâm thương mại dịch vụ, du lịch, đầu mối giao lưu, liên kết, thúc đẩy Khu kinh tế Cửa khẩu Lệ Thanh và các khu vực khác của tỉnh Gia Lai nói riêng, vùng Bắc Tây Nguyên nói chung phát triển kinh tế – xã hội gắn với đảm bảo an ninh quốc phòng.
– Dự kiến đến năm 2030, thành phố Pleiku hướng tới là một thành phố “Cao nguyên xanh vì sức khỏe”, điểm đến quốc tế về du lịch, nghỉ dưỡng, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, thể dục thể thao; Là một đô thị thông minh, có kết cấu hạ tầng đô thị văn minh, hiện đại, nền văn hóa đậm bản sắc văn hóa địa phương.
– Tính chất:
+ Là đô thị loại I thuộc Tỉnh, đô thị động lực vùng Tây Nguyên, có vị trí quan trọng về quốc phòng – an ninh đối với khu vực Tây Nguyên và cả nước.
+ Trung tâm chính trị, hành chính, an ninh quốc phòng, kinh tế, văn hóa, khoa học – kỹ thuật, giáo dục đào tạo, công nghiệp, thương mại dịch vụ của tỉnh.
+ Là đô thị hạt nhân trong tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia.
+ Trung tâm kinh tế, thương mại dịch vụ, công nghiệp, dịch vụ tổng hợp, trung tâm lễ hội, văn hóa của khu vực Bắc Tây Nguyên. Trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp và du lịch văn hóa di sản tầm quốc gia và khu vực ngã 3 Đông Dương; trung tâm nghiên cứu khoa học, giáo dục – đào tạo và chuyển giao công nghệ đa ngành cấp vùng Tây Nguyên; trung tâm bảo tồn rừng cảnh quan và đa dạng sinh học cấp quốc gia; trung tâm thương mại dịch vụ, hội chợ triển lãm; Trung tâm văn hóa – nghệ thuật, thể dục – thể thao và giải trí cấp vùng; có vị trí quan trọng về quốc phòng và an ninh đối với khu vực Tây Nguyên và cả nước.
– Các chiến lược phát triển theo quy hoạch của thành phố Pleiku nhằm đáp ứng các vị thế vùng:
+ Đô thị phát triển tập trung tránh lãng phí đất, đầu cơ đất và hạn chế các dự án treo. Thiết lập hệ thống đường thứ cấp, đường vành đai đợt đầu. Phát triển đô thị hướng về không gian xanh.
+ Thành phố Pleiku – cao nguyên xanh vì sức khỏe: Điều kiện khí hậu, nguồn nước trong lành, không ô nhiễm, mát mẻ quanh năm và cảnh quan độc đáo. Phát triển công nghiệp sạch không ô nhiễm. Sản vật địa phương xanh, sạch, có lợi cho sức khỏe. Hình thành các trung tâm điều dưỡng, điều trị, phục hồi sức khỏe chất lượng cao kết hợp với các liệu pháp dân tộc cổ truyền. Hình thành nơi tập huấn, đào tạo, huân luyện vận động viên cấp cao, đồng thời có phong trào thể dục thể thao cộng đồng phát triển mạnh. Đô thị phát triển bền vững, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu.
– Định hướng phát triển không gian:
+ Mở rộng không gian phát triển thành phố kết nối với vùng phụ cận, gắn với các đô thị vệ tinh như đô thị Đak Đoa, đô thị Chư Sê, đô thị Phú Hòa…., các khu chức năng quan trọng của tỉnh, gắn với kết nối hạ tầng khung, hình thành vùng có tính động lực phát triển của tiểu vùng trung tâm, phát triển lan tỏa sang các tiểu vùng khác. Kết nối đô thị hiện hữu với các khu vực có tốc độ thị hóa nhanh trong vùng phụ cận tạo thành vùng đô thị Pleiku.
+ Phát triển theo mô hình Chùm đô thị với thành phố Pleiku là đô thị trung tâm; xung quanh là các đô thị vệ tinh hỗ trợ cho đô thị trung tâm:
+ Đô thị Đak Đoa: hỗ trợ các chức năng đô thị, thể dục thể thao, đầu mối nông sản quốc tế, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp
+ Đô thị Ia Kha: hỗ trợ phát triển du lịch sinh thái
+ Đô thị Phú Hòa: hỗ trợ phát triển du lịch (Biển Hồ – Chư Đăng Ya)
+ Đô thị Chư Sê: hỗ trợ phát triển về công nghiệp
Hình thành tam giác phát triển của tiểu vùng trung tâm gồm thành phố Pleiku – đô thị Đak Đoa – đô thị Chư Sê tạo tính lan tỏa cao gắn với hệ thống giao thông chính kết nối và các công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật của tiểu vùng.
Khu vực đô thị
+ Khu vực trung tâm hiện hữu: Là khu vực có ý nghĩa về văn hóa – lịch sử, đóng vai trò là trung tâm hành chính – chính trị của Tỉnh. Hình thành hệ thống đa trung tâm về văn hóa, về kinh tế…gắn với các không gian chức năng của đô thị như trung tâm hành chính – thương mại – dịch vụ, trung tâm Tài chính – Thương mại – Văn phòng (CBD), tổ hợp y tế – thể thao, dịch vụ thương mại tạo nên một đô thị tập trung tổng hợp đa chức năng.
+ Khu vực phía Bắc: phát triển các khu Trung tâm y tế, dịch vụ phục hồi sức khỏe, trung tâm du lịch Biển Hồ và các khu đô thị mới.
+ Khu vực phía Nam: phát triển các khu Trung tâm y tế, dịch vụ phục hồi sức khỏe, Trung tâm thể dục thể thao, Khu trung tâm Nông – công nghiệp.
+ Khu vực phía Đông: phát triển Trung tâm công nghiệp, trung tâm nghiên cứu R&D,
+ Khu vực phía Tây Nam: phát triển khu Trung tâm dịch vụ hậu cần Logistics cấp tỉnh, gắn với Cảng hàng không và ga đường sắt.
Khu vực nông thôn: Phát triển mô hình “nông nghiệp – đô thị”, duy trì hệ sinh thái nông – lâm – ngư nghiệp hiện hữu, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng áp dụng công nghệ cao. Nâng cấp các trung tâm xã hiện hữu theo quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Các điểm dân cư nông thôn có hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, được tiếp cận nhiều tiện ích đô thị và có khả năng đối phó với lũ lụt hàng năm và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Hành lang xanh – nông nghiệp bao quanh thành phố.
+ Vành đai phía Đông: Kết hợp với tổ hợp chăm sóc sức khỏe, phát triển các không gian trồng cây dược liệu như: gừng, nghệ… Trồng rau, củ, quả, nấm. Tạo ra các trang trại du lịch nông nghiệp góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch.
+ Vành đai phía Tây Nam: Phát triển các cây dược liệu, cây công nghiệp và chăn nuôi. Khu vực này được đề xuất có 2 loại hình nông nghiệp chính là nông nghiệp truyền thống (Cá thể) theo quy mô hộ gia đình người dân tộc và nông nghiệp với giá trị thương phẩm cao như trồng cây mắc ca, tiêu, trang trại nuôi bò, trồng dược liệu… (Nông nghiệp quy mô công nghiệp).
– Biển Hồ duy trì vành đai tự nhiên nhằm bảo vệ nguồn nước duy nhất. Phát triển du lịch giải trí nghỉ dưỡng tại khu vực Biển Hồ nhân tạo.
– Xã Trà Đa phát triển trung tâm công nghiệp chính của thành phố với khu công nghiệp Trà Đa, trung tâm tiếp vận, kho tàng, bến bãi (Logistics), cảng hàng không, khu đô thị dịch vụ ven hồ.
– Làng Dân tộc: Bảo tồn những di sản, những không gian công cộng đặc thù. Bổ sung các công trình phục vụ phát triển du lịch như điểm hướng dẫn tham quan, chợ sản phẩm địa phương,… một cách hợp lý nhằm đảm bảo sự hài hòa với không gian xung quanh.
– Bảo tồn:
+ Bảo tồn, khai thác cảnh quan thiên nhiên: Khoanh vùng bảo vệ cảnh quan núi lửa, sông, suối, hồ. Lập thiết chế bảo tồn, khai thác giá trị cảnh quan tại các khu vực bảo tồn.
+ Bảo tồn, khai thác cảnh quan văn hóa: Xác định các làng bản có giá trị cảnh quan văn hóa. Tuyên bố giá trị, khoanh vùng bảo tồn và lập thiết chế bảo tồn, phát huy giá trị. Phát triển các làng bản gắn với du lịch cộng đồng.
Thị xã An Khê
– Thị xã An Khê là cửa ngõ phía Đông của tỉnh Gia Lai đi tỉnh duyên hải Miền Trung và nằm trên trục hành lang kinh tế Quốc tế QL19 nối từ cảng biển Quy Nhơn qua Thành phố Pleiku đến cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh.
– Tính chất:
+ Là trung tâm kinh tế, thương mại dịch vụ, du lịch và văn hóa – xã hội của tỉnh Gia Lai.
+ Là đô thị cửa ngõ phía Đông của tỉnh Gia Lai. Là một trong ba đô thị động lực của tỉnh Gia Lai, có tiềm năng phát triển công nghiệp, dịch vụ và du lịch,…
+ Là trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh Gia Lai.
+ Là trọng điểm chiến lược An ninh Quốc phòng của Tỉnh và của vùng Tây Nguyên.
– Phân loại đô thị: Đô thị loại IV, lên đô thị loại III giai đoạn 2021-2025 và đô thị loại II sau năm 2030.
– Định hướng phát triển không gian:
+ Tập trung phát triển tại khu vực trung tâm thị xã hiện hữu và phát triển mạnh về phía Bắc, dọc theo ĐT669 và quỹ đất 2 bên dọc QL19.
+ Phát triển đô thị dựa trên hệ khung giao thông: Cao tốc dự kiến Quy Nhơn – Pleiku, QL19, ĐT669, ĐT667, các trục vành đai kết nối các khu vực phát triển đô thị của thị xã.
+ Khu vực phát triển đô thị tập trung: tại khu vực trung tâm các phường hiện hữu (khu vực nội thị) của đô thị.
+ Các khu vực phát triển công nghiệp: tập trung chủ yếu tại khu vực phía Đông Bắc và phía Tây của khu vực nội thị.
+ Khu vực dân cư nông thôn: tập trung tại phần lớn tại các xã phía Bắc (ngoại thị).
+ Khu vực phát triển du lịch, nông nghiệp công nghệ cao gắn với khu di chỉ khảo cổ đồ đá cũ Rộc Tưng, không gian mặt nước hồ thủy điện.
+ Khu vực nông nghiệp: tập trung chủ yếu tại các xã ngoại thị phía Bắc thị xã.
+ Khu vực kiểm soát phát triển, bảo vệ cảnh quan xung quanh hồ thủy điện và 2 bên dòng sông Ba.
+ Khu vực bảo tồn nguồn Nước, rừng đặc dụng.
Thị xã Ayun Pa
– Thị xã Ayun Pa nằm về phía Đông Nam của tỉnh Gia Lai có một địa thế chính trị khá đặc biệt, đầu mối giao thông xuống đồng bằng phía Đông Nam của tỉnh Gia Lai, là cửa ngõ giao lưu kinh tế của các huyện, thị xã tại vùng này với tỉnh Phú Yên, Đắk Lắk và các tỉnh duyên hải miền Trung. Thị xã Ayun Pa có tuyến QL25 đi qua nối QL14 tại huyện Chư Sê và QL1 tại tỉnh Phú Yên cách QL1 theo hướng Đông khoảng 130km. Ngoài ra thị xã Ayun Pa còn có ĐT662 đi qua huyện Kông Chro và thị xã An Khê, ĐT668 đi huyện Ea H’Leo (Đắk Lắk). Bên cạnh đó có tuyến đường Trường Sơn Đông đi qua thị xã nên rất thuận tiện về giao thông đường bộ nối các huyện, thị xã của vùng 5 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Đắk Lắk và Lâm Đồng.
– Tính chất:
+ Là đô thị động lực của tiểu vùng Phía Đông Nam của Tỉnh, có vị trí giao thương giữa tỉnh Phú Yên và Gia Lai, trên trục hành lang kinh tế đô thị QL25 đường Trường Sơn Đông. Trở thành cực tăng trưởng của vùng phía Đông Nam tỉnh, là trung tâm giao dịch trên tuyến Pleiku – Tuy Hòa (Phú Yên).
+ Là trung tâm đầu mối nông sản phía Đông Nam của Tỉnh.
+ Là trung tâm dịch thương mai, du lịch; trung tâm Giáo dục Đào tạo, trung tâm Y tế của tiểu vùng phía Đông Nam.
– Phân loại đô thị: Đô thị loại IV, lên đô thị loại III vào sau năm 2030.
– Định hướng phát triển không gian:
Khu vực đô thị:
+ Đô thị Ayun Pa: là đô thị loại IV – là hạt nhân trung tâm của tiểu vùng phía Đông Nam của Tỉnh. Tiếp tục đầu tư nâng cấp hạ tầng đô thị đạt tiêu chí loại III vào năm 2030.
+ Hình thành các Khu đô thị mới: Khu vực phía Đông giáp sông Ayun và sông Ba định hướng quy hoạch khu đô thị mới với chức năng thương mại dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng, cây xanh sinh thái, biệt thự thấp tầng.
+ Khu vực phía Tây, phát triển khu dân cư mới, công trình công cộng, dịch vụ đô thị,
+ Khu vực phía Nam, Tây Nam, định hướng phát triển Cụm CN-TTCN, điện năng lượng mặt trời, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu dân cư mật độ thấp ven đô…
Khu vực nông thôn
+ Phát triển các trung tâm xã với các hoạt động dịch vụ cho sản xuất nông nghiệp (cung cấp giống mới, phân bón, máy nông cụ, điểm thu mua, kho bảo quản nông sản…), dịch vụ thương mại nông thôn (chợ, cửa hàng), dịch vụ khuyến nông (hướng dẫn canh tác, thu hoạch, bảo quản, phân loại…), dịch vụ chăm sóc sức khỏe, dịch vụ vui chơi giải trí (khu vui chơi thiếu nhi, sân thể thao, nhà văn hóa).
+ Cung cấp các dịch vụ thiết yếu về an sinh xã hội cho các khu vực dân cư xa trung tâm, vùng sâu vùng xa.
+ Phát triển các cụm điểm dân cư tập trung tại các khu vực gắn với cụm công nghiệp Ia Sao; các điểm dân cư gắn với các điểm du lịch; các điểm dân cư gắn với các hợp tác xã theo mô hình đổi mới. Từng bước chuyển dịch cơ cấu từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp đối với các khu vực có khả năng mở rộng đô thị và đô thị hóa cao.
+ Hạn chế phát triển các điểm dân cư phân tán. Hạn chế việc di dân tại các khu vực gắn với sản xuất lâm nghiệp, tạo điều kiện sinh kế cho người lao động vừa đảm bảo phát triển kinh tế, vừa đảm bảo môi trường sinh thái.
Thị xã Chư Sê
(Quyết định số 38/QĐ-UBND ngày 23/1/2014 của UBND tỉnh Gia Lai v/v phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai đến năm 2030)
– Tính chất:
+ Là trung tâm đổi mới sáng tạo của tỉnh.
+ Là trung tâm công nghiệp của tỉnh.
+ Là trung tâm hỗ trợ sản xuất nông – lâm nghiệp của tỉnh.
+ Là đô thị vệ tinh hỗ trợ cho thành phố Pleiku.
+ Là trung tâm kinh tế, dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp, là đầu mối giao thông, giao lưu trong huyện, tỉnh của vùng phía Nam tỉnh trên hành lang QL14;
– Phân loại đô thị: Đô thị loại IV, lên đô thị loại III vào năm 2030.
– Định hướng phát triển không gian:
Khu vực đô thị:
+ Không gian đô thị: phát triển mở rộng không gian đô thị sang các xã lân cận phía Đông và phía Tây đảm bảo định hướng nâng cấp lên đô thị loại III. Hình thành các khu vực phát triển đô thị mới và khu công nghiệp Chư Sê.
+ Phát triển không gian đô thị gắn với khu du lịch thác Phú Cường.
+ Không gian nông nghiệp: khu nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp chuyên canh.
+ Không gian cây xanh, không gian mở: quy hoạch hệ thống cây xanh đường phố, hình thành các thảm cây xanh và vành đai cây xanh đô thị
Khu vực nông thôn:
+ Cải tạo chỉnh trang nâng cấp các điểm dân cư nông thôn, có hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội theo tiêu chuẩn đô thị.
+ Tạo điều kiện cho cư dân các xã lân cận tham gia vào các chương trình chuyển đổi số, chương trình nâng cao kĩ năng sản xuất chế biến nông sản chất lượng cao và bồi dưỡng kiến thức chuyển đổi nghề sang dịch vụ.
+ Hình thành các vùng đệm sinh thái nông nghiệp để hạn chế việc mở rộng của đô thị. Phát triển tập trung sản xuất nông nghiệp sạch, chất lượng cao cung cấp các hàng hóa nông sản phục vụ cho đô thị, gắn với sản xuất nông nghiệp sinh thái, phát triển các dịch vụ vui chơi giải trí cuối tuần đáp ứng cho nhu cầu của người dân đô thị.
+ Phát triển cơ sở hạ tầng kết nối với các khu vực phát triển, tham gia vào các ngành kinh tế dịch vụ.
+ Phát triển các dịch vụ hỗ trợ sản xuất gắn với các hợp tác xã kiểu mới. Mô hình hợp tác xã kiểu mới là một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị nông sản giúp cho người dân có cơ hội được tham gia vào ứng dụng khoa học công nghệ, ứng dụng số do vây dân cư nông thôn tại các khu vực này cần phải có trình độ và được đào tạo để có thể tham gia vào phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
+ Khoanh vùng bảo tồn, bảo vệ các vùng cảnh quan có giá trị và tạo kết nối xanh, mặt nước dự trữ gắn với khu vực phát triển.
Thị xã Đak Đoa
– Tính chất:
+ Là trung tâm dịch vụ thể dục thể thao của vùng Tây Nguyên, của tỉnh.
+ Là trung tâm nghiên cứu – đào tạo (R&D) của tỉnh.
+ Là trung tâm công nghiệp của tỉnh.
+ Là trung tâm hỗ trợ sản xuất nông – lâm nghiệp của tỉnh.
+ Là đô thị có vai trò vệ tinh hỗ trợ cho thành phố Pleiku.
– Phân loại đô thị: Đô thị loại V, lên đô thị loại IV giai đoạn 2026 – 2030.
– Định hướng phát triển không gian:
Khu vực đô thị:
+ Không gian đô thị: mở rộng các đường trục chính kết nối trung tâm thị trấn đến trung tâm các xã nhằm mở rộng đô thị, kết nối các khu vực phát triển du lịch và thể thao.
+ Không gian du lịch: Công viên đồi thông.
+ Không gian dịch vụ thể thao: Khu vực sân golf Đak Đoa, khu trung tâm dịch vụ thể thao.
+ Không gian cây xanh cảnh quan, không gian mở: công viên trung tâm thị trấn Đak Đoa, cây xanh cảnh quan ven sông, suối, hồ, rừng phòng hộ, rừng sản xuất…
Khu vực nông thôn:
+ Phát triển các trung tâm xã với các hoạt động dịch vụ cho sản xuất nông nghiệp, dịch vụ thương mại nông thôn (chợ, cửa hàng), dịch vụ khuyến nông (hướng dẫn canh tác, thu hoạch, bảo quản, phân loại…), dịch vụ chăm sóc sức khỏe, dịch vụ vui chơi giải trí (khu vui chơi thiếu nhi, sân thể thao, nhà văn hóa).
+ Cung cấp các dịch vụ thiết yếu về an sinh xã hội cho các khu vực dân cư xa trung tâm, vùng sâu vùng xa.
+ Phát triển các cụm điểm dân cư tập trung tại các khu vực gắn với cụm công nghiệp Đak Đoa; các điểm dân cư gắn với các điểm du lịch; các điểm dân cư gắn với các hợp tác xã theo mô hình đổi mới. Từng bước chuyển dịch cơ cấu từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp đối với các khu vực có khả năng mở rộng đô thị và đô thị hóa cao.
+ Hạn chế phát triển các điểm dân cư phân tán. Hạn chế việc di dân tại các khu vực gắn với sản xuất lâm nghiệp, tạo điều kiện sinh kế cho người lao động vừa đảm bảo phát triển kinh tế, vừa đảm bảo môi trường sinh thái.
Các thị trấn
Thị trấn Phú Hòa (huyện Chư Păh)
(Quyết định số 317/QĐ-UBND ngày 24/5/2021 của UBND tỉnh Gia Lai v/v phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai đến năm 2030)
– Tính chất: Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội, đầu mối giao thông, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của huyện Chư Păh. Là đô thị có vai trò kết nối 02 đô thị lớn thuộc vùng Bắc Tây Nguyên là thành phố Pleiku và thành phố Kon Tum trên dải hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh – QL14 theo trục Bắc – Nam; là điểm kết nối 02 điểm du lịch tiềm năng quốc gia là Biển Hồ – Chư Đăng Ya và hồ Ia Ly theo trục Đông – Tây. Là đô thị có chức năng hỗ trợ phát triển các loại hình dịch vụ về sản xuất công nông nghiệp và du lịch.
– Phân loại đô thị: Đô thị loại V, lên đô thị loại IV giai đoạn sau 2030.
– Định hướng phát triển không gian:
+ Vùng xây dựng đô thị tập trung: Bao gồm 02 khu đô thị trung tâm
+ Vùng xây dựng đô thị không tập trung: Khu đô thị phía Bắc và khu đô thị phía Nam.
+ Vùng phát triển nông nghiệp đô thị: Vùng nông nghiệp bao quanh khu lõi thị trấn.
+ Vùng du lịch sinh thái: Phát triển du lịch nghỉ dưỡng và các dịch vụ đi kèm.
+ Vùng công viên cảnh quan và không gian mở: Bao gồm hệ thống công viên cây xanh tập trung, công viên đan xen giữa các khu chức năng đô thị.
Thị trấn Nhơn Hòa (huyện Chư Pưh)
(Quyết định số 711/QĐ-UBND ngày 18/12/2020 của UBND tỉnh Gia Lai v/v phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai đến năm 2030)
– Tính chất:
+ Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa – thể dục thể thao, thương mại dịch vụ và an ninh quốc phòng của huyện Chư Pưh.
+ Là cửa ngõ giao lưu kinh tế với các huyện phía Nam tỉnh Gia Lai với trọng tâm là khu vực phát triển nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ.
– Phân loại đô thị: Đô thị loại V, lên đô thị loại IV giai đoạn sau 2030.
– Định hướng phát triển không gian:
+ Không gian đô thị tập trung tại khu vực đô thị hiện hữu, trong tương lai thị trấn có khả năng phát triển mở rộng về phía Đông và phía Bắc; Cải tạo, chỉnh trang không gian kiến trúc cảnh quan, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội khu vực đô thị hiện hiện hữu;
+ Khu phía Bắc: Phát triển các khu công cộng và khu dân cư mới.
+ Khu phía Đông: Phát triển khu đô thị mới kết hợp với cảnh quan sinh thái, sản xuất nông nghiệp. Có kế hoạch bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa đặc trưng các làng đồng bào sinh sống ổn định trong khu vực.
Thị trấn Ia Kha (huyện Ia Grai)
(Quyết định số 84/QĐ-UBND ngày 09/02/2021 của UBND tỉnh Gia Lai v/v phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai đến năm 2035)
– Tính chất:
+ Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa – thể dục thể thao, thương mại dịch vụ và an ninh quốc phòng của huyện Ia Grai.
+ Là đô thị vệ tinh kết nối với thành phố Pleiku, hình thành các mối liên kết về nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ phụ trợ.
– Phân loại đô thị: Đô thị loại V, lên đô thị loại IV giai đoạn sau 2030.
– Định hướng phát triển không gian:
+ Khu vực đô thị hiện hữu: Tập trung chỉnh trang đô thị, hoàn chỉnh hạ tầng thiết yếu. Phát triển du lịch cộng đồng, bảo tồn các giá trị về kiến trúc, văn hóa, phong tục tập quán địa phương.
+ Khu vực phía Bắc thị trấn: Phát triển cảnh quan sinh thái tự nhiên, sinh thái nông nghiệp kết hợp dân cư mật độ thấp.
+ Khu vực nông nghiệp ven đô thị và là vùng đệm xanh cho thị trấn.
Thị trấn Chư Ty (huyện Đức Cơ)
(Quyết định số 83/QĐ-UBND ngày 09/02/2021 của UBND tỉnh Gia Lai v/v phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai đến năm 2035)
– Tính chất:
+ Thị trấn Chư Ty là thị trấn huyện lỵ huyện Đức Cơ, trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện Đức Cơ; có vị trí quan trọng về quốc phòng – an ninh của tỉnh Gia Lai nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung.
+ Là đô thị trung tâm kết nối với Khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh; là đầu mối giao thương và điểm trung chuyển hàng hóa, khách du lịch quan trọng trên tuyến hành lang Đông – Tây giữa hai nước Việt Nam – Campuchia, đảm bảo cung ứng dịch vụ hậu cần cho hoạt động của khu vực cửa khẩu; là địa điểm gắn kết du lịch với các huyện biên giới của tỉnh và điểm dừng chân lưu trú cho khách du lịch quốc tế qua cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh.
– Phân loại đô thị: Đô thị loại V, lên đô thị loại IV giai đoạn 2026 – 2030.
– Định hướng phát triển không gian: Không gian thị trấn mở rộng và phát triển thêm về phía Tây, Bắc và Đông Bắc.
+ Không gian đô thị hiện hữu: Tập trung chỉnh trang về mặt kiến trúc cảnh quan đô thị, bố trí quỹ đất để kêu gọi thu hút đầu tư phát triển thương mại dịch vụ, phát triển thêm các khu dân cư mới tuyến 2, tuyến 3 của đường Quang Trung.
+ Không gian đô thị mở rộng về phía Bắc: Bổ sung quỹ đất để phát triển các chức năng tương xứng là đô thị trung tâm của toàn Khu kinh tế cửa khẩu (theo Quyết định số 139/2001/QĐ-TTg ngày 21/9/2001 của Thủ tướng Chính phủ không gian khu kinh tế cửa khẩu đường 19 gồm đô thị trung tâm là thị trấn Chư Ty và các xã Ia Kla, Ia Dom, Ia Nan, Ia Pnôn thuộc huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai với tổng tích tự nhiên 41.515 ha). Gồm các chức năng như sau: thương mại – dịch vụ, khu dân cư mới, công cộng, đầu mối giao thương, trung chuyển hàng hóa, cung ứng các dịch vụ hậu cần cho hoạt động của khu vực Cửa khẩu dọc theo hai bên tuyến đường vành đai Bắc.
+ Không gian đô thị mở rộng về phía Nam: Bố trí quỹ đất để phát triển thương mại- dịch vụ, khu dân cư, đất giãn dân cho đồng bào tại chỗ, bố trí đất công cộng đơn vị ở, sân vận động, hoa viên cây xanh và nhà trẻ mẫu giáo…; Cải tạo các hợp thủy để khai thác cảnh quan; phát triển, bảo tồn làng Trol Đen hiện có, nâng cấp cơ sở hạ tầng, kết hợp du lịch nghỉ dưỡng theo mô hình Homestay.
+ Khu vực vùng ven thị trấn, bao gồm các khu dân cư xen kẽ đất nông nghiệp dọc tuyến suối và đất nông nghiệp còn lại của thị trấn. Định hướng khu vực này là khu dân cư mật độ thấp, nhà vườn gắn với cảnh quan sinh thái nông nghiệp ven đô thị.
Thị trấn Chư Prông (huyện Chư Prông)
(Quyết định số 111/QĐ-UBND ngày 13/3/2020 của UBND tỉnh Gia Lai v/v phê duyệt đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thị trấn Chư Prông, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai đến năm 2035)
– Tính chất:
+ Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, thể dục thể thao, thương mại dịch vụ và an ninh quốc phòng của huyện Chư Prông.
+ Là cửa ngõ giao lưu kinh tế với các huyện lân cận với trọng tâm là khu vực phát triển nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ.
– Phân loại đô thị: Đô thị loại V, lên đô thị loại IV giai đoạn sau 2030.
– Định hướng phát triển không gian:
+ Không gian phát triển đô thị: Chia làm 5 khu vực chính gồm trung tâm hành chính huyện, trung tâm thương mại dịch vụ, trung tâm văn hóa giáo dục, khu ở xây dựng mới nằm phía Nam khu trung tâm và một phần phía Tây giáp xã Ia Drăng.
+ Không gian phát triển nông nghiệp: Giáp hai bên hồ thị trấn, phía sau tuyến đường giao thông từ đồi Độc Lập đi xã Ia Phìn và lân cận trong phạm vi hành chính thị trấn.
+ Không gian phát triển du lịch: Khu vực hồ thị trấn và đồi Độc Lập.
+ Không gian cây xanh cảnh quan, không gian mở: tại quảng trường trung tâm hành chính, khu vực hồ thị trấn và xen kẽ trong các khu dân cư.
Thị trấn K’Bang (huyện K’Bang)
(Quyết định số 89/QĐ-UBND ngày 06/3/2020 của UBND tỉnh Gia Lai v/v phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thị trấn K’Bang, huyện K’Bang, tỉnh Gia Lai đến năm 2035)
– Tính chất:
+ Là trung tâm chính trị, kinh tế, lịch sử – văn hóa, du lịch sinh thái và an ninh quốc phòng của huyện K’Bang.
+ Là cửa ngõ giao lưu kinh tế với các huyện phía Đông tỉnh Gia Lai và các huyện lân cận thuộc tỉnh Kon Tum với trọng tâm là thương mại – dịch vụ, du lịch và công nghiệp.
– Phân loại đô thị: Đô thị loại V, lên đô thị loại IV giai đoạn sau 2030.
– Định hướng phát triển không gian:
+ Không gian phát triển đô thị: Chia làm 4 khu vực chính gồm trung tâm hành chính huyện, trung tâm thương mại – dịch vụ, trung tâm văn hóa – giáo dục, khu đô thị mới Tây sông Ba.
+ Không gian phát triển nông nghiệp: Dọc hai bên bờ sông Ba và lân cận trong phạm vi hành chính thị trấn.
+ Không gian phát triển du lịch: Khu du lịch đồi thông; các làng đồng bào Ba Na (làng Chiêng, làng Nak); du lịch kết nối với thác Hang Dơi, vườn mít – cánh đồng Cô Hầu, thủy điện Kanak, dọc bờ Tây sông Ba.
+ Không gian cây xanh cảnh quan, không gian mở: dọc sông Ba và các sông suối, công viên, thể dục thể thao trong đô thị.
Thị trấn Kon Dơng (huyện Mang Yang)
– Tính chất: Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, dịch vụ thương mại, sản xuất công – nông nghiệp, đầu mối giao thông; có vai trò thức đẩy phát triển kinh tế – xã hội huyện; có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng.
– Phân loại đô thị: Đô thị loại V, lên đô thị loại IV giai đoạn sau 2030.
– Định hướng phát triển không gian:
+ Không gian đô thị hiện hữu: Cải tạo, chỉnh trang, xây dựng bổ sung hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.
+ Không gian phát triển mới: mở rộng về phía Đông, Đông Nam với các chức năng: khu dân cư, công viên cây xanh – thể dục thể thao, dịch vụ nghỉ dưỡng.
Thị trấn Kông Chro (huyện Kông Chro)
(Quyết định số 78/QĐ-UBND ngày 28/2/2020 của UBND tỉnh Gia Lai v/v phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thị trấn Kông Chro, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai đến năm 2035)
– Tính chất:
+ Là thị trấn huyện lỵ, trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, giáo dục, thể dục thể thao, thương mại, dịch vụ và an ninh quốc phòng của huyện Kông Chro.
+ Là đô thị kết nối chuỗi các đô thị phía Đông và Đông Nam tỉnh Gia Lai, từ thị xã An Khê qua thị xã Ayun Pa theo tuyến giao thông huyết mạch Trường Sơn Đông.
+ Là đô thị có hình thái đô thị gắn liền với cảnh quan tự nhiên, cảnh quan nông lâm nghiệp của địa phương, chú trọng phát triển lĩnh vực thương mại – dịch vụ – du lịch, công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, nền nông nghiệp hiện đại gắn với phát triển đô thị,… để thu hút đầu tư và nguồn lực, phát triển kinh tế cho địa phương.
– Phân loại đô thị: Đô thị loại V, lên đô thị loại IV giai đoạn sau 2030.
– Định hướng phát triển không gian:
+ Khu trung tâm: gồm trung tâm hành chính huyện, khu thương mại, giáo dục, y tế, văn hóa thể dục thể thao…và khu dân cư ổn định.
+ Khu vực phát triển mới: Phát triển về phía Đông khu trung tâm hiện hữu đến đường Lê Lai và phía Tây sông Ba dọc theo đường Anh Hùng Núp, các tuyến 2, 3 của hai tuyến đường này để phát triển khu dân cư mới, thương mại dịch vụ, hạ tầng xã hội.
+ Khu vực dọc sông Ba và lâm viên núi Kông Mơ Dơi: LÀ trục cảnh quan chính cho đô thị theo 2 hướng Bắc Nam và Đông Tây, dọc theo sông Ba và kéo dài đến thác Ia Rung tại khu vực phía Nam và núi Kông Mơ Dơi phía Đông thị trấn. Định hướng tạo những trục giao thông hướng về sông Ba nhằm khai thác cảnh quan thiên nhiên dọc theo sông Ba và cảnh quan thác Ia Rung, khai thác dịch vụ – du lịch sinh thái, vui chơi giải trí, cây xanh sinh thái và khu ở kết hợp nghỉ dưỡng.
+ Các khu làng đồng bào trong đô thị: Bao gồm tổ dân phố Plei Nghe, Plei Dơng, Plei Pyang, Plei Ktỏh và Hle Ktu. Phát triển du lịch hướng đến làm nơi tham quan, tìm hiểu văn hóa truyền thống của người địa phương.
+ Vùng nông nghiệp ven trung tâm đô thị: Vành đai nông nghiệp thuộc vùng ven của thị trấn khuyến khích đầu tư các loại hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch trong đô thị.
Thị trấn Đak Pơ (huyện Đak Pơ)
– Tính chất:
+ Là đô thị có vai trò trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội, khoa học kỹ thuật, đầu mối giao thông, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của huyện Đak Pơ.
+ Là trung tâm của vùng sản xuất, phát triển rau theo hướng an toàn chuyên canh, chất lượng cao, chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng trang trại tập trung của vùng phía Đông và tỉnh Gia Lai.
+ Là đầu mối giao thông kết nối với chuỗi hành lang kinh tế phía Bắc gồm các tỉnh Quãng Nam, Quảng Ngãi theo đường Trường Sơn Đông.
– Phân loại đô thị: Đô thị loại V, lên đô thị loại IV giai đoạn sau 2030.
– Định hướng phát triển không gian:
+ Không gian phát triển đô thị: Bao gồm khu vực đô thị hiên hữu và khu vực phía Tây, phía Bắc tiếp giáp với khu vực đô thị hiện hữu. Cải tạo chỉnh trang khu vực hiện có, bảo tồn các bản, làng có giá trị văn hóa trong khu vực.
+ Không gian phát triển nông nghiệp: Hình thành vành đai nông nghiệp xung quanh thị trấn kết hợp phát triển dịch vụ du lịch.
Thị trấn Ia Pa (huyện Ia Pa)
– Tính chất: Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, dịch vụ thương mại, sản xuất công – nông nghiệp, đầu mối giao thông; có vai trò thức đẩy phát triển kinh tế – xã hội huyện; có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng.
– Phân loại đô thị: đô thị loại V.
– Định hướng phát triển không gian: Đô thị hóa tập trung từ khu vực trung tâm huyện hiện nay.
Thị trấn Phú Thiện (huyện Phú Thiện)
(Quyết định số 82/QĐ-UBND ngày 09/2/2021 của UBND tỉnh Gia Lai v/v phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai đến năm 2030)
– Tính chất:
+ Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội của huyện Phú Thiện.
+ Là cửa ngõ giao lưu kinh tế của huyện với các địa phương khác, là vùng sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, thương mại dịch vụ và du lịch.
+ Là đô thị trong chuỗi các đô thị dọc theo QL25 nối thành phố Pleiku với tỉnh Phú Yên đồng thời kết nối với các đô thị phía Đông Gia Lai thông qua đường tỉnh 662B, đường Trường Sơn Đông, QL19 đến thành phố Quy Nhơn trong hệ thống đô thị phát triển của tỉnh Gia Lai.
– Phân loại đô thị: Đô thị loại V, lên đô thị loại IV giai đoạn 2026-2030.
– Định hướng phát triển không gian:
+ Cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội khu vực đô thị hiện hữu.
+ Phát triển các khu đô thị mới về phía Tây và phía Đông dọc theo hai bên bờ sông Ia Sol.
+ Hình thành vành đai nông nghiệp thuộc vùng ven của thị trấn.
Thị trấn Phú Túc (huyện Krông Pa)
– Tính chất: Là thị trấn huyện lỵ của huyện Krông Pa. Là đô thị cửa ngõ phía Đông Nam của tỉnh Gia Lai, kết nối Gia Lai các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa.
– Phân loại đô thị: Đô thị loại V, lên đô thị loại IV giai đoạn sau 2030.
– Định hướng phát triển không gian: Cải tạo chỉnh trang, nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội khu vực đô thị hiện hữu. Bảo tồn, tôn tạo và bổ sung hệ thống hạ tầng đối với các làng đồng bào hiện đang cư trú trên địa bàn.
Thị trấn Ia Ly (huyện Chư Păh)
(Quyết định số 320/QĐ-UBND ngày 24/05/2021 của UBND tỉnh Gia Lai v/v phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai đến năm 2030)
– Tính chất: Là thị trấn thuộc huyện Chư Păh, là trung tâm phát triển khu dân cư đô thị; trung tâm kinh tế, văn hóa xã hội, thương mại – dịch vụ phía Tây huyện Chư Păh kết hợp phát triển dịch vụ – du lịch theo định hướng cấp vùng Tây Nguyên, cấp tỉnh và công trình hạ tầng kỹ thuật đầu mối cấp quốc gia.
– Phân loại đô thị: đô thị loại V, lên đô thị loại IV giai đoạn sau 2030.
– Định hướng phát triển không gian:
+ Phát triển về phía Nam để mở rộng hình thành khu dân cư mới gắn với trung tâm hiện có.
+ Phát triển về phía Đông, gắn với các làng, bản hiện cóc, kết nối hạ tầng kỹ thuật, phát triển dịch vụ.
+ Phát triển về phía Bắc, khu vực giáp hồ Thủy điện Ia Ly, khai thác lợi thế yếu tố cảnh quan hồ nước, cảnh quan thiên nhiên để phát triển du lịch, dịch vụ.
Đô thị Lệ Thanh (huyện Đức Cơ)
– Hình thành trên cơ sở đô thị hóa xã Ia Dom, huyện Đức Cơ. Đây là thị trấn phục vụ cho hoạt động của Khu kinh tế cửa khẩu Lệ Thanh.
– Phân loại đô thị: đô thị loại V vào năm 2025.
– Định hướng phát triển không gian: Phát triển không gian dọc trục QL19 và QL14C cho tới khu vực cửa khẩu Lệ Thanh.
Đô thị Bàu Cạn (huyện Chư Prông)
– Hình thành trên cơ sở đô thị hóa xã Bàu Cạn huyện Chư Prông.
– Phân loại đô thị: đô thị loại V giai đoạn 2026 – 2030.
– Định hướng phát triển không gian: Phát triển không gian dọc trục QL19.
Đô thị Kon Thụp (huyện Mang Yang)
– Hình thành trên cơ sở đô thị hóa trung tâm xã Kon Thụp
– Phân loại đô thị: đô thị loại V giai đoạn 2026 – 2030.
– Định hướng phát triển không gian: Phát triển không gian dọc trục ĐT666.
Đô thị Lệ Bắc (huyện Krông Pa)
– Hình thành trên cơ sở đô thị hóa trung tâm xã Ia R’Sươm.
– Phân loại đô thị: đô thị loại V giai đoạn 2026 – 2030.
– Định hướng phát triển không gian: Phát triển không gian dọc trục QL25.
Đô thị Ia Krái (huyện Ia Grai)
– Hình thành trên cơ sở đô thị hóa trung tâm xã Ia Krái
– Phân loại đô thị: đô thị loại V giai đoạn 2026 – 2030.
Đô thị Ia Le (huyện Chư Pưh)
– Hình thành trên cơ sở đô thị hóa trung tâm xã Ia Le
– Phân loại đô thị: đô thị loại V giai đoạn 2026 – 2030.
Đô thị Bờ Ngoong (huyện Chư Sê)
– Hình thành trên cơ sở đô thị hóa trung tâm xã Bờ Ngoong
– Phân loại đô thị: đô thị loại V vào sau năm 2030.
Đô thị Nam Yang (huyện Đak Đoa)
– Hình thành trên cơ sở đô thị hóa trung tâm xã Nam Yang
– Phân loại đô thị: đô thị loại V vào sau năm 2030.
Đô thị Ia Ga (huyện Chư Prông)
– Hình thành trên cơ sở đô thị hóa trung tâm xã Ia Ga
– Phân loại đô thị: đô thị loại V vào sau năm 2030.
Đô thị Sơn Lang (huyện K’Bang)
– Hình thành trên cơ sở đô thị hóa trung tâm xã Sơn Lang
– Phân loại đô thị: đô thị loại V vào sau năm 2030.
Đô thị Pờ Tớ (huyện Ia Pa)
– Hình thành trên cơ sở đô thị hóa trung tâm xã Pờ Tớ
– Phân loại đô thị: đô thị loại V vào sau năm 2030.