Tiến độ Vành đai 3 và loạt hạ tầng hơn 182.000 tỉ đồng tác động cực lớn đến thị trường bất động sản
Trong cuộc họp về các dự án trọng điểm quốc gia do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã có báo cáo về các mốc tiến độ của loạt dự án hạ tầng trọng điểm trên địa bàn thành phố gồm Vành đai 3 TP.HCM, Metro Bến Thành – Suối Tiên, Metro Bến Thành – Tham Lương và tuyến cao tốc TP.HCM – Mộc Bài.
Không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong việc kết nối hạ tầng giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, những dự án hạ tầng trên đều đã và đang có tác động to lớn đến thị trường bất động sản của TP.HCM và khu vực lân cận.
Đeo bám mốc tiến độ dự án Vành đai 3
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, dự án đường Vành đai 3 đến nay cơ bản đáp ứng tiến độ như yêu cầu của Chính phủ, thành phố đang đeo bám các mốc tiến độ. Cụ thể, tháng 9/2022 hoàn tất giao ranh giới mốc, tháng 11/2022 hoàn thành thẩm định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án thành phần.
Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM có tổng chiều dài 76,34km đi qua TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An, tổng vốn đầu tư hơn 75.000 tỉ đồng.
Với TP.HCM, dự án có chiều dài 47,51km sẽ đia qua địa bàn TP. Thủ Đức, Củ Chi, Hóc Môn và Bình Chánh. Để thực hiện dự án sẽ có 2.377 hộ dân bị ảnh hưởng, tái định cư khoảng 752 trường hợp, tổng mức bồi thường, tái định cư là 25.610 tỉ đồng.
Theo Sở TN&MT TP.HCM, để đảm bảo tiến độ dự án Vành đai 3 khởi công vào tháng 6/2023, việc bồi thường sẽ chính thức bắt đầu từ ngày 1/12/2022. Tháng 4/2022 sẽ chi trả toàn bộ số tiền bồi thường đất nông nghiệp và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư vào tháng 5/2023 (khoảng 300ha).
Tháng 7/2023 sẽ chi trả bồi thường đất ở cho người dân và bàn giao mặt bằng trước 30/12/2023 (khoảng hơn 400ha) để chủ đầu tư có thể triển khai xây lắp vào năm 2024.
Về tái định cư, hiện nay TP Thủ Đức và huyện Bình Chánh đã đảm bảo quỹ nhà tái định cư cho dự án. Riêng Hóc Môn và Củ Chi đang phối hợp với các sở ngành để lên phương án bố trí tái định cư tại chỗ cho dân.
Metro Bến Thành – Suối Tiên chạy thử cuối năm nay
Cập nhật tiến độ dự án tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên, lãnh đạo TP.HCM cho biết, dự kiến tháng 12/2022 sẽ chạy thứ một đoạn trên cao 10 km đi qua TP. Thủ Đức, đây là khâu chuẩn bị để năm sau đưa dự án vào khai thác thương mại. Riêng đoạn kéo dài từ Suối Tiên đến Đồng Nai và Bình Dương, TP.HCM sẽ có báo cáo tính toán quy hoạch để kéo dài thêm.
Được khởi công năm 2008, tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên có tổng chiều dài 19,7 km, gồm 2,6 km ngầm và 17,1 km trên cao. Tuyến có tổng cộng 14 ga với 3 ga ngầm 11 ga trên cao và depot Long Bình tại quận 9. Dự án trải dài qua các quận 1, Bình Thạnh, TP. Thủ Đức (trước đây bao gồm quận 2, Thủ Đức và quận 9)
Tổng mức đầu tư dự kiến của toàn tuyến là hơn gần 44.000 tỉ đồng gồm vốn vay từ cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản – JICA và vốn đối ứng từ ngân sách TP.HCM.
Theo báo cáo của Ban quản lý dự án, đến cuối tháng 7/2022 tuyến metro số 1 đã đạt khoảng 91,4 % tổng tiến độ xây dựng, lắp đặt. So với kế hoạch ban đầu, dự án này đang chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Liên quan đến phương án kéo dài tuyến metro số 1, cuối tháng 8/2022, Sở GTVT tỉnh Đồng Nai đã đề xuất UBND tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương nghiên cứu đầu tư dự án kéo dài tuyến đường sắt metro Bến Thành – Suối Tiên đến Khu công nghiệp Biên Hòa 1 (phường An Bình, TP Biên Hòa) thay vì chỉ kéo dài đến ngã ba chợ Sặt (TP. Biên Hoà) như quy hoạch trước đó.
Metro Bến Thành – Tham Lương sắp di dời hạ tầng kỹ thuật
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, dự kiến tháng 12/2022, tuyến metro số 2 Bến Thành – Tham Lương sẽ khởi công gói di dời hạ tầng kỹ thuật, song song đó xin điều chỉnh thời gian dự án.
Trước đó, UBND TP.HCM đã có báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình thực hiện dự án tuyến metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương); trong đó, dự án có thể phải lùi thời gian khởi công đến cuối năm 2025, đầu năm 2026 do những vướng mắc trong hợp đồng tư vấn thực hiện dự án.
Dự án tuyến metro số 2 Bến Thành – Tham Lương có tổng mức đầu tư 47.890 tỉ đồng. Tổng chiều dài tuyến hơn 11 km (9,1 km ngầm; hơn 1,9 km trên cao và chuyển tiếp) với 10 nhà ga (9 ga ngầm, 1 ga trên cao). Dự án đi qua địa bàn các quận 1, quận 3, quận 10, quận 12, quận Tân Bình và quận Tân Phú.
Cao tốc TP.HCM – Mộc Bài có thể khởi công năm 2023
Báo cáo tiến độ dự án cao tốc TP.HCM – Mộc Bài, ông Phan Văn Mãi cho biết, thành phố hiện đã trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí vốn; nếu việc thẩm định, phê duyệt, hoàn tất thủ tục thì sẽ khởi công năm 2023.
Theo nội dung mà UBND TP.HCM đã trình, tuyến cao tốc TP.HCM – Mộc Bài sẽ có chiều dài khoảng 50km, trong đó đoạn qua TP.HCM dài gần 24 km, còn lại thuộc địa phận Tây Ninh. Dự án có điểm đầu tại điểm giao giữa Tỉnh lộ 15 với đường vành đai 3 thuộc huyện Củ Chi, TP.HCM và điểm cuối là Quốc lộ 22, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh.
Tổng vốn đầu tư của dự án là 16.729 tỉ đồng được thực hiện theo phương thức PPP loại hợp đồng BOT (Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao). Trong đó, nguồn vốn nhà nước là 7.433 tỉ đồng, nguồn vốn đầu tư huy động khoảng 9.296 tỉ đồng (chiếm 56% vốn). Dự kiến thời gian thực hiện dự án trong giai đoạn 2022 – 2027.
Theo tiến độ dự kiến, quý 3/202 sẽ trình cấp thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư. Quý 3/2023 sẽ lập, thẩm định và phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Quý 2/2024 sẽ làm các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư và ký kết hợp đồng dự án.
Từ quý 4/2024 đến quý 3/2025 sẽ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng; quý 3/2024 đến năm 2027 triển khai xây dựng; bàn giao công trình và đưa vào khai thác từ năm 2027.