Đường vành đai 3 và 4 tái khởi động với sự quyết liệt từ chính phủ

Thủ tướng giao UBND TP.HCM thành lập ngay Tổ công tác nghiên cứu, chuẩn bị phương án đầu tư tuyến đường Vành đai 3, Vành đai 4 sau khi bị đình trệ hơn 10 năm qua, nay được khởi động trở lại với sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ. Các địa phương nơi các tuyến đường đi qua cũng đang tích cực vào cuộc để hoàn tất các dự án quan trọng cho toàn vùng Đông Nam Bộ này vào năm 2026.

duong vanh dai 3 va 4
Tổng quan tuyến đường Vành đai 3 và vành đai 4

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 21 ngày 24/1/2022 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp về Dự án đường Vành đai 3 và Vành đai 4 TP.HCM.

Thông báo nêu rõ: Tuyến đường Vành đai 3 và Vành đai 4 TP.HCM đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối các tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và có vai trò rất quan trọng trong việc tạo ra không gian phát triển mới.

Các dự án đường Vành đai 3 và 4 thành phố Hồ Chí Minh đi qua thành phố và các tỉnh Long An, Bình Dương và Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2011 và giao Bộ Giao thông Vận tải thực hiện. Đây là những tuyến đường kết nối các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; liên kết, phát huy hiệu quả các tuyến đường bộ cao tốc và quốc lộ hướng tâm, góp phần giảm ùn tắc giao thông khu vực nội đô thành phố Hồ Chí Minh và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội khu vực. Tuy nhiên, đến hết năm 2021, cả 2 dự án quan trọng này đều dở dang.

Cụ thể, dự án đường Vành đai 3 dài khoảng 89,3km, trong đó, đoạn qua thành phố Hồ Chí Minh dài hơn 47km, qua tỉnh Bình Dương 26km, qua Đồng Nai hơn 11km và qua Long An 6,8km. Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Chí Minh Lê Hòa Bình cho biết, tính đến cuối tháng 12-2021, mới chỉ có tỉnh Bình Dương đầu tư 15,3km trên tuyến với 6 làn xe.

Mới có tỉnh Bình Dương đầu tư xây dựng 21km đường Vành đai 3

Còn dự án đường Vành đai 4 dài gần 200km, đi qua các địa phương nêu trên và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Trong hơn 10 năm qua, tỉnh Bình Dương chủ động đầu tư xây dựng khoảng 21/48km đoạn qua địa bàn tỉnh này. Bình Dương và Đồng Nai cũng đã hợp tác đầu tư cầu Thủ Biên qua sông Đồng Nai kết nối 2 tỉnh.

Theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, khó khăn lớn nhất của các dự án này là vốn. Đơn cử, khi thành phố tiếp nhận hồ sơ dự án đường Vành đai 3 từ Ban quản lý Mỹ Thuận (thuộc Bộ Giao thông Vận tải), các địa phương đánh giá việc đầu tư 100% dự án này theo hình thức đối tác công tư (PPP) không khả thi vì tổng vốn quá lớn, doanh nghiệp phải huy động ít nhất 50% số vốn, thời gian thu hồi tiền kéo dài đến 28-29 năm, khó thu hút nhà đầu tư.

Tỉnh Đồng Nai và Bình Dương phối hợp xây cầu Thủ Biên trên đường Vành đai 4.

Đã có hướng giải quyết

Với dự án đường Vành đai 3, thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương có tuyến đường đi qua kiến nghị phương án 1 là ngân sách trung ương đầu tư 100% số tiền để xây dựng toàn tuyến (khoảng 83.000 tỷ đồng). Phương án 2 là Trung ương đầu tư chi phí giải phóng mặt bằng toàn tuyến một lần (khoảng 47.000 tỷ đồng). Các địa phương sẽ chủ động phần xây lắp. Thời gian thực hiện từ nay đến năm 2026.

Về kiến nghị này, trong buổi làm việc với UBND các địa phương nơi tuyến đường đi qua hôm 28-12, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành phân tích, chi phí xây dựng cao tốc Bắc – Nam là khoảng 140 tỷ đồng/km. Trong khi đó, chi phí này ở đường Vành đai 3 dự kiến là hơn 450 tỷ đồng. Nếu tính cả giải phóng mặt bằng thì lên đến khoảng 1.000 tỷ đồng/km, như vậy là quá cao, cần tính toán lại.

duong vanh dai 3 va 4
UBND thành phố Hồ Chí Minh được Chính phủ giao là cơ quan nhà nước có thẩm quyền dự án đường Vành đai 3.

Phó Thủ tướng giao UBND thành phố Hồ Chí Minh là cơ quan nhà nước có thẩm quyền dự án và chỉ đạo: “Đoạn nào có thể kêu gọi vốn xã hội hóa theo hình thức hợp tác công tư (PPP), đoạn nào đầu tư 100% vốn ngân sách thì địa phương phải tính toán, đề xuất. Cần phấn đấu hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ vào tháng 2-2022 để Chính phủ trình Quốc hội vào tháng 4 hoặc 5-2022″.

Về dự án đường Vành đai 4, ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND tỉnh Long An đề xuất, tách giải phóng mặt bằng ra thành dự án riêng khi thực hiện đường Vành đai 3, theo đó, Chính phủ hỗ trợ một phần chi phí giải phóng mặt bằng, còn chi phí xây lắp thực hiện theo hình thức PPP, BOT. Với 72km qua Long An, tỉnh đã giao một tập đoàn nghiên cứu tiền khả thi, đồng thời, kiến nghị tách giải phóng mặt bằng ra thành dự án riêng.

duong vanh dai 3 va 4
Chính phủ giao UBND các tỉnh là cơ quan nhà nước có thẩm quyền dự án với các đoạn đường Vành đai 4 qua địa phương mình.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ đề xuất quỹ đất trên tuyến còn nhiều, cần tính đến phương án giao cho một nhà đầu tư thực hiện, vì rất thuận lợi.

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành giao UBND các địa phương là cơ quan nhà nước có thẩm quyền dự án với đoạn tuyến đi qua địa phương mình và chỉ đạo: “Các địa phương phải chủ động thực hiện các công việc trên đoạn tuyến đi qua, trong đó, cần đẩy nhanh tiến độ khảo sát, thiết kế, lập dự án đầu tư, kêu gọi đầu tư theo phương thức PPP có hỗ trợ từ ngân sách”.

ESY HOUSE

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *