Huyện Nhà Bè phát triển lên thẳng thành phố thuộc TPHCM thay vì lên quận

Huyện Nhà Bè phát triển lên thẳng thành phố thuộc TPHCM thay vì lên quận

TPO – Huyện Nhà Bè có nhiều lợi thế như về sông nước, về mảng xanh, nghỉ dưỡng và phát triển du lịch sinh thái. Những lợi thế này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để huyện Nhà Bè phát triển thành thành phố vệ tinh của TPHCM thay vì chuyển lên quận.
Đô thị vệ tinh

Ngày 30/6, UBND huyện Nhà Bè phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM tổ chức Hội thảo khoa học “Tiềm năng và triển vọng phát triển huyện Nhà Bè thành đô thị vệ tinh của TPHCM”.

Theo TS Trương Minh Huy Vũ, Đại học Quốc gia TPHCM nói rằng, Nhà Bè là huyện ngoại thành phía Nam TPHCM, cách trung tâm khoảng 10 km, giáp quận 7, huyện Bình Chánh, huyện Cần Giuộc (Long An), huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai). Địa phương này có diện tích hơn 10.000 ha với hơn 200.000 dân và được coi là cửa ngõ ra biển của TPHCM.

huyen nha be len thanh pho thay vi len quan
Nhà Bè cần được định hình là một phần của Khu đô thị thông minh sinh thái dựa trên vành đai sông, hướng biển và vệ tinh phát triển phía Nam TPHCM.

Theo ông Vũ, Nhà Bè cần được định hình là một phần của Khu đô thị thông minh sinh thái dựa trên vành đai sông, hướng biển và vệ tinh phát triển phía Nam TPHCM, gắn liền không gian phát triển Nhà Bè-quận 7. Thời gian tới, Nhà Bè cần phát triển giao thông đường thuỷ để kết nối với quận 1 qua bến Bạch Đằng, tận dụng lợi thế của quận 7 là nơi có nhiều công ty công nghệ của Việt Nam để đẩy mạnh không gian số, kinh tế số.

Tương tự, ông Phan Chánh Dưỡng, giảng viên Trường Đại học Fulbright nhắc lại câu chuyện lúc ông và các chuyên gia lựa chọn địa điểm xây dựng khu chế xuất Tân Thuận cách đây hàng chục năm. Theo ông Dưỡng, khu chế xuất Tân Thuận được xây dựng từ một vùng đất ngập mặn nhưng đã mang lại hiệu quả kinh tế cho TPHCM cũng như cả nước.

Từ dẫn chứng trên, ông Dưỡng cho rằng huyện Nhà Bè cũng sẽ thành công trong việc trở thành đô thị vệ tinh của TPHCM với sự phát triển mạnh về nhiều mặt. Ông Dưỡng nhấn mạnh: “Nhà Bè đừng ngại vì là vùng đất ngập mặn. 300 năm trước Sài Gòn cũng được xây dựng bắt đầu từ vùng đất ngập mặn”.

Ông Dưỡng chỉ ra những ưu thế trong việc xây dựng Nhà Bè thành một khu đô thị vệ tinh của TPHCM, đó là Khu chế xuất Tân Thuận; tuyến đường Bắc Nhà Bè-Nam Bình Chánh (đại lộ Nguyễn Văn Linh); khu đô thị mới Nam TPHCM (Nam Sài Gòn); khu công nghiệp cơ bản Hiệp Phước; chương trình nạo vét sông Soài Rạp; dự án xây dựng Trục lộ Bắc Nam; cảng nước sâu tổng hợp Hiệp Phước; tuyến cao tốc Bến Lức (Long An)-Nhơn Trạch (Đồng Nai).

Phải lên thẳng thành phố

PGS. TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TPHCM cũng cho rằng, huyện Nhà Bè có nhiều lợi thế như về sông nước, về mảng xanh, nghỉ dưỡng và phát triển du lịch sinh thái. Những lợi thế này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để huyện Nhà Bè phát triển thành thành phố vệ tinh của TPHCM thay vì chuyển lên quận.

Theo PGS. TS Trần Hoàng Ngân, cần có cơ sở pháp lý để phát huy hết tiềm năng và lợi thế của huyện Cần Giờ. “Cũng như TP. Thủ Đức, huyện Nhà Bè sẽ chuẩn bị những điều kiện nhất định để trở thành đô thị vệ tinh. Bên cạnh đó, cần tăng đầu tư, nhất là đầu tư về hạ tầng kết nối. Cần có thể chế phân cấp ủy quyền cho thành phố đô thị vệ tinh Nhà Bè phát triển. Ngoài ra cũng cần chú trọng phát triển nhân sự của một thành phố phát triển theo hướng kinh tế số, xã hội số và chính quyền số”, ông Ngân nói.

Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) nêu ý kiến, Nhà Bè nên trở thành thành phố Nhà Bè chứ không phải là quận Nhà Bè. Ông Châu cũng nhấn mạnh rằng, thành phố Nhà Bè trong tương lai nên bao gồm cả không gian của quận 7 và huyện Nhà Bè hiện nay.

huyen nha be len thanh pho thay vi len quan
Huyện Nhà Bè có nhiều lợi thế như về sông nước, về mảng xanh, nghỉ dưỡng và phát triển du lịch sinh thái.

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM cũng chỉ ra những thách thức mà huyện Nhà Bè đang phải đối mặt. Đó là biến đổi khí hậu; nền địa chất yếu; ngập nước; sạt lở; thiếu nước ngọt… và để phát triển huyện Nhà Bè trong thời gian tới thì cần phải tháo gỡ nhiều nút thắt cổ chai đang tồn tại. Một trong những nút thắt cổ chai này là hệ thống hạ tầng giao thông.

“Hệ thống hạ tầng giao thông đang là trở ngại lớn trong quá trình phát triển của địa phương. Ba trục đường Bắc-Nam đi qua huyện Nhà Bè gồm đường Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Tất Thành và Lê Văn Lương đều đang quá tải. Nếu tháo được các nút thắt giao thông này thì huyện Nhà Bè sẽ phát triển”, ông Châu nói.

5 huyện ngoại thành TPHCM là Củ Chi, Bình Chánh, Cần Giờ, Nhà Bè, Hóc Môn đang đặt mục tiêu lên thành phố vào năm 2030. Theo kế hoạch, Sở Nội vụ sẽ hoàn thiện Đề án đầu tư xây dựng các huyện thành quận (hoặc thành phố thuộc TPHCM) giai đoạn 2021-2030 trình UBND TPHCM trước ngày 30/9. Sau đó, UBND TPHCM sẽ chốt địa phương nào lên quận hoặc thành phố.

ESY HOUSE

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *