TPHCM đang có những bước đi cụ thể để triển khai xây dựng mô hình thành phố đa trung tâm. Theo đề xuất của Sở Xây dựng, trong Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, TPHCM sẽ được phân chia thành 6 phân vùng đô thị với những định hướng phát triển rõ ràng, cụ thể.
Nguồn: Quy hoạch quốc gia, xem bản đồ chi tiết tại đây
1. Phân vùng đô thị trung tâm
Phân vùng đô thị trung tâm có ranh giới phía Bắc và phía Tây là đường Vành đai 2, phía Nam là kênh Đôi – kênh Tẻ, phía Đông giáp sông Sài Gòn, bao gồm các quận trung tâm như Quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp, một phần Bình Tân và một phần quận 12. Khu vực này đóng vai trò là trung tâm hành chính, thương mại, dịch vụ, kinh tế tri thức và đô thị sáng tạo của toàn TPHCM.
2. Phân vùng đô thị phía Đông (TP Thủ Đức)
Phân vùng đô thị phía Đông theo ranh giới thành phố Thủ Đức. Đây là đô thị sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, giáo dục, đào tạo, dịch vụ tài chính, y tế và du lịch sinh thái. Đặc biệt, trung tâm tài chính quốc tế tại Thủ Thiêm sẽ là điểm nhấn nổi bật, giúp thúc đẩy phát triển kinh tế cho toàn bộ khu vực phía Đông.
3. Phân vùng đô thị phía Bắc – Tây Bắc (Củ Chi – Hóc Môn)
Phân vùng đô thị phía Bắc – Tây Bắc có ranh giới phía Bắc giáp tỉnh Tây Ninh, phía Tây giáp tỉnh Long An, phía Nam là ranh giới hành chính huyện Hóc Môn và huyện Bình Chánh với đường Vành đai 2, bao gồm huyện Củ Chi, Hóc Môn và một phần quận 12. Vùng này sẽ phát triển các lĩnh vực dịch vụ giải trí, văn hóa, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe kết hợp cảnh quan nông nghiệp, du lịch sinh thái – văn hóa – lịch sử.
4. Phân vùng đô thị phía Tây (Bình Chánh)
Phân vùng đô thị phía Tây có ranh giới phía Bắc giáp ranh hành chính giữa huyện Hóc Môn và huyện Bình Chánh, phía Nam giáp ranh tỉnh Long An, phía Đông giáp đường Vành đai 2 và sông Cần Giuộc, phía Tây và phía Nam giáp tỉnh Long An, bao gồm phần lớn huyện Bình Chánh. Đô thị Bình Chánh được định hướng phát triển trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ thương mại, công nghệ và chăm sóc sức khỏe, y sinh hóa dược, giáo dục đào tạo.
5. Phân vùng đô thị phía Nam (Quận 7 – Nhà Bè)
Phân vùng đô thị phía Nam có ranh giới phía Bắc giáp kênh Đôi – kênh Tẻ, phía Nam giáp huyện Cần Giờ, phía Đông giáp sông Đồng Nai, phía Tây giáp sông Cần Giuộc, bao gồm quận 7, huyện Nhà Bè và một phần quận 8. Định hướng trở thành đô thị công nghệ cao, đô thị sinh thái nước, kinh tế tri thức, văn hóa nghệ thuật, triển lãm, hội chợ, giải trí, du lịch sinh thái, công nghiệp và logistics, trung tâm kinh tế biển quan trọng.
6. Phân vùng đô thị Cần Giờ
Phân vùng đô thị Cần Giờ có ranh giới toàn bộ huyện Cần Giờ, gồm các khu vực phát triển đô thị như Bình Khánh, Cần Thạnh, các cụm đô thị dọc hành lang sông Soài Rạp, khu đô thị biển, cùng vùng rừng bao gồm vùng lõi, vùng đệm. Đây là “lá phổi xanh” của TPHCM, trung tâm sinh thái, cửa ngõ phía Nam hướng biển và trung tâm đổi mới sáng tạo. Nơi đây sẽ tập trung phát triển du lịch sinh thái biển, nghỉ dưỡng, thương mại, cảng và logistics, đồng thời là trung tâm hậu cần nghề cá và nghiên cứu, nuôi trồng, chế biến thủy sản.
Hoàn thành xây dựng thành phố đa trung tâm đến năm 2050
Theo Quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt, thành phố sẽ bắt đầu triển khai xây dựng mô hình thành phố đa trung tâm với 6 phân vùng đô thị nêu trên từ sau năm 2030. Mục tiêu hoàn thành toàn bộ kế hoạch này vào năm 2050, tạo nên một TPHCM phát triển bền vững, hiện đại, đa dạng và có sức cạnh tranh quốc tế.
Việc phân chia TPHCM thành 6 phân vùng đô thị không chỉ giúp quản lý đô thị hiệu quả hơn mà còn góp phần thúc đẩy phát triển đồng bộ kinh tế – xã hội, nâng cao chất lượng sống cho người dân toàn thành phố.